Tham gia Diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Nafoods Group đã đưa ra một số ý kiến thảo luận về chủ đề “Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam” và “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa Nông nghiệp Việt Nam”.
Cụ thể, theo ông Hùng: “Khó khăn thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp đó là vấn đề thay đổi tư duy: chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, với doanh nghiệp là tư duy của người đứng đầu. Bên cạnh đó, Phát triển nhân lực đáp ứng được nhu cầu số hóa nông nghiệp cũng đang là bài toán cần lời giải hiện nay, bởi thực tế cho thấy số lượng nhân lực đạt chất lượng, có kiến thức sâu về chuyển đổi số còn rất ít vì đây cũng là một trong những nội dung mới mẻ, bắt đầu triển khai tại các trường đại học, cao đẳng…Phần lớn tại các doanh nghiệp Nông nghiệp tiên phong trong vấn đề này đều có xu hướng sử dụng nguồn nhân lực là các chuyên gia thuê ngoài để đào tạo và tự đào tạo nội bộ.”
Cùng quan điểm này, dưới góc nhìn của PGS –TS Nguyễn Việt Long – Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam : “Vấn để chuyển đổi số nông nghiệp hiện tại là vấn đề mới, bên cạnh việc đào tạo tại các trường Đại học thì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ mảng này còn cần đến sự phối hợp của các doanh nghiệp để có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực thi, vận hành trong thời gian tới”.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hơn 25 năm qua, với nền tảng đã có Nafoods đã và đang trong quá trình ứng dụng chuyển đổi số toàn diện. Bắt đầu từ 2019, Nafoods đã đi vào nghiên cứu và tổ chức thực hiện lần lượt cho ra các phân hệ chuyên biệt áp dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong toàn hệ thống. Xác định: “Chuyển đổi số là yếu tố quan trọng, then chốt cần đẩy mạnh áp dụng vào sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn đối mặt dịch bệnh”. Tính đến nay, tại Nafoods đã có hơn 30 phân hệ được hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng phục vụ hoạt động chuyên môn tại các phòng ban. Hệ thống phân hệ này được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn và đề xuất của phòng ban chuyên môn kết hợp với yêu cầu chung của hệ thống. Nhờ triển khai sớm và đồng bộ, đến nay hoạt động áp dụng số hóa toàn diện trong hệ thống Nafoods đã bước đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực và đem lại hiệu quả rõ nét, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong vận hành và sản xuất kinh doanh toàn hệ thống. Đồng thời, nhờ việc tích hợp, thống kê và quản lý số liệu khách quan bằng các công cụ, phần mềm chuyên biệt, đã giúp các phòng ban, bộ phận của công ty, từ kinh doanh, logistic, kế hoạch điều phối, cung ứng nguyên liệu, đến hành chính nhân sự, tài chính kế toán… dễ dàng có được đánh giá tổng quan nhưng vẫn đảm bảo tính chi tiết, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn tại từng thời điểm.
Thời gian qua mặc dù đổi mặt với nhiều khó khăn do COVID -19 gây ra nhưng Nafoods vẫn ước đạt tăng trưởng cao trong quý III/2021. Đây có thể được xem là kết quả hết sức khả quan, ghi nhận sự nỗ lực hết mình của tập thể ban lãnh đạo, cán bộ công nhân viên công ty nhờ việc nhanh chóng đưa ra kịch bản sản xuất kinh doanh phù hợp để ứng phó với mọi tình huống Covid-19 gây ra. Đặc biệt, ứng dụng số hóa toàn diện là một trong những hướng đi đúng đắn của Nafoods thời gian qua.