Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản với hơn 28 năm kinh nghiệm, Nafoods đã luôn chủ động trong việc tìm kiếm các thị trường mới để mở rộng thị phần và gia tăng doanh thu cho tập đoàn. Từ lâu, chúng tôi đã hướng đến thị trường khách hàng người Hồi giáo, vì vậy sản phẩm của doanh nghiệp buộc phải có chứng nhận Halal.
Để có được chứng nhận, các sản phẩm phải có nguyên liệu, thành phần sản xuất và điều kiện dây chuyền sản xuất đáp ứng đúng các tiêu chuẩn Halal. Chứng nhận Halal được ví như giấy phép thông hành để các doanh nghiệp xuất khẩu bước vào các nước tại khu vực Trung Đông, một số quốc gia tại Châu Âu. Tiềm năng của thị trường này rất lớn, chính vì vậy Nafoods đã nhanh chóng nghiên cứu thị trường và chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn Halal, bước đầu nắm được chìa khóa để chinh phục “Thị trường tỷ đô”. Chính nhờ sự chuẩn bị chu đáo, Nafoods Group là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đã sớm đặt chân vào thị trường này và tạo dựng được uy tín cho thương hiệu trong nhiều năm qua với nhiều đối tác chiến lược.


Theo bà Hồ Thị Loan – Giám đốc Kinh doanh Công nghiệp tại Công ty Cổ phần Nafoods Group, sản phẩm được cấp chứng nhận Halal là yêu cầu bắt buộc đối với thị trường khách hàng người Hồi giáo. Hiểu một cách sâu hơn là người Hồi giáo có những tiêu chuẩn riêng trong tín ngưỡng và nó ảnh hưởng đến việc quyết định lựa chọn thực phẩm của họ. Tiêu chuẩn Halal quy định các sản phẩm thực phẩm phải được sản xuất an toàn và đảm bảo chất lượng, không có bất cứ nguyên liệu nào bị Luật hồi giáo cấm, ví dụ như thịt lợn. Theo thuật ngữ Hồi giáo, Halal có nghĩa là “được phép” nên những sản phẩm không có chứng nhận này, người Hồi giáo tuyệt đối không lựa chọn.
Nafoods đã xác định được đối tượng khách hàng và nghiên cứu rất rõ về tiêu chuẩn Halal ngay từ những ngày đầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và định hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu này. Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm từ nông sản Việt nên công tác chuẩn bị của Nafoods có nhiều thuận lợi trong việc chuyển đổi quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn của Halal.

Cũng theo bà Loan, đối với Nafoods Group, xét trên hạng mục sản phẩm hay thị trường, sẽ có những điểm thuận lợi hay một vài vấn đề khó khăn khi áp dụng tiêu chuẩn này. Có thể kể đến như sản phẩm nước ép, trái cây đông lạnh IQF, nước ép trái cây nguyên chất (Puree), nguyên liệu sử dụng không có “Haram, tức là cấm” và được sản xuất theo quy trình đảm bảo chất lượng nên dễ dàng được cấp chứng nhận Halal. Còn các sản phẩm như trái cây sấy dẻo hay đóng hộp có sử dụng các thành phần bổ sung như đường thì việc đánh giá chất lượng sẽ nghiêm ngặt hơn. Đường sử dụng trong chế biến sản phẩm phải có chứng nhận Halal và chứng nhận đó phải được đơn vị uy tín cung cấp. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất phải được giám sát, đánh giá chặt chẽ. Khi cần thiết phải điều chỉnh quy trình sản xuất để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của tiêu chuẩn Halal.
Nói về những lợi thế khi doanh nghiệp đạt được chứng nhận Halal, bà Loan cho biết, hiện nay thị trường người Hồi giáo chiếm đến 25% dân số thế giới và tiếp tục tăng đến 30% vào năm 2024. Thị trường này được đánh giá là thị trường tiềm năng, nhiều cơ hội cho Nafoods mở rộng phát triển cũng như tiếp tục khẳng định vị thế của một doanh nghiệp xuất khẩu lâu năm. Từ khi áp dụng tiêu chuẩn Halal, nó không đơn thuần là tiêu chuẩn áp dụng cho những sản phẩm phân phối ở thị trường Hồi giáo, mà đã trở thành một trong những tiêu chuẩn chính yếu trong hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của Nafoods nhiều năm qua.
Khách hàng ngày càng có sự tìm hiểu, quan tâm sâu sắc đến vấn đề sức khỏe nên các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng sẽ được tin tưởng hơn, đặc biệt sản phẩm có chứng nhận Halal luôn được khách hàng ưu tiên lựa chọn sử dụng.
Người Hồi giáo hiện chiếm khoảng ¼ dân số thế giới, dự kiến chiếm 30% vào năm 2024 và đạt 2,2 tỷ người năm 2030. Ước tính, thị trường Halal toàn cầu sẽ mang lại 5.000 tỷ USD mỗi năm và ngày một tăng, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường này. Dự báo tới năm 2025, thực phẩm có dấu chứng nhận Halal sẽ chiếm 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ toàn cầu. Như vậy, với các lợi thế sẵn có của mình, tiềm năng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam như Nafoods Group sang thị trường các nước Hồi giáo là rất lớn. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường vô cùng khó tính với hệ thống các tiêu chuẩn khắt khe yêu cầu các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng và có tiềm lực đủ mạnh để đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Có được chứng nhận Halal cũng có nghĩa là doanh nghiệp đã nắm trong tay tờ giấy thông hành khi xuất khẩu sản phẩm thực phẩm vào thị trường khách hàng người theo đạo Hồi giáo.