Những đứa trẻ ở làng Dak Tleub, Huyện Dak Cheung, Tỉnh Sekong, Lào chúng lanh lợi, hồn nhiên và vui tươi với những gì đang có, dù nơi ở là những ngôi nhà xập xệ, dù bữa ăn chỉ qua loa, thiếu thốn trên rẫy cùng cha mẹ… Đó là những gì anh em dự án bắt gặp và ấn tượng sâu sắc khi đặt chân đến nơi đây.

Làng Dak Tleub là một trong những xã biên giới khó khăn nhất của tỉnh Sekong, Lào. Do điều kiện địa hình, đường sá đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí còn thấp nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi người dân nơi đây. Sau khi nắm bắt thông tin về dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con Dak Tleub; với mong muốn tiếp nối thành công của các dự án xóa đói giảm nghèo bằng cây chanh leo cho bà con nông dân khó khăn tại Việt Nam, Nafoods nhanh chóng trở thành đối tác tư vấn kỹ thuật, đồng hành cùng Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Campuchia, Thái Lan, Lào chính thức bắt tay vào dự án“Tư vấn kỹ thuật trồng & chăm sóc chanh leo ‒ tạo sinh kế nông nghiệp cho nông dân vùng thiểu số”.

Trở lại Dak Tleub giờ đây, đi dọc hai bên đường, điều làm nhiều người bất ngờ nhất chính là những vườn cây chanh leo xanh tít tắp, sai quả. Những giàn chanh leo được người dân dựng lên nối thẳng từ triền đồi xuống tới tận mép đường lớn. Anh Hồ Diệu Bang ‒ Nhân viên kỹ thuật công ty CP Chanh leo Nafoods (thuộc Công ty cổ phần Nafoods Group) nói“: Đây là thành quả những ngày đoàn miệt mài giúp người dân trồng cây chanh leo, từ hướng dẫn cách xuống giống, làm giàn đến chăm sóc cây phát triển”.

Những ngày đầu đặt chân đến vùng đất giáp biên giữa Việt Nam và Lào, đoàn tư vấn kỹ thật đã gặp không ít khó khăn. Quãng đường biên giới Việt Nam đến Dak Tleub chỉ vỏn vẹn gần một trăm ki ‒lô – mét, thế nhưng chúng tôi phải mất cả ngày trời mới có thể tới nơi. Con đường gồ ghề, lởm chởm đá hộc với ổ voi, ổ gà làm cho chiếc xe máy chồm lên như những chú ngựa. Quãng đường không xa nhưng hành trình như thêm kéo dài khi có quá nhiều khó khăn trong quá trính bắt đầu dự án. Tiếp xúc với chính quyền, bà con nơi đây thật sự vất vả bởi sự bất đồng ngôn ngữ;
Phải khó khăn lắm đội ngũ kỹ thuật công ty mới có thể kết nối được với đầu mối của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Campuchia, Thái Lan, bởi sóng điện thoại tại đây quá yếu, có chăng cũng chập chờn. Chuỗi ngày tiếp đó kênh trao đổi thông tin của các cán bộ kỹ thuật với người dân hoàn toàn phụ thuộc vào nhân sự điều phối của tổ chức này. Kể tiếp về câu chuyện những buổi tập huấn, hướng dẫn đầu tiên một nhân sự thuộc dự án cho hay:
“Đã có lúc chân chùn, chí nhụt vì trình độ dân trí bà con thấp, đa số họ không biết chữ và khả năng nghe hiểu cũng rất kém, để bà con hiểu chỉ có thể là những video hình ảnh thực tế, cái mà chúng tôi chưa có sẵn vậy là anh em 2 bên đã thống nhất bắt tay vào việc, làm cùng bà con từ những việc chi tiết nhất”.

Tháng 1 năm 2021, khi cây giống chanh leo Đài Nông 1 của Nafoods có mặt tại Dak Tleub, đội ngũ kỹ thuật đã thảo luận chia khu vực phụ trách, trực tiếp “xắn tay áo”hỗ trợ gần 30 hộ dân xuống giống cho 1 hecta đất đồi khu vực giáp biên. Có lẽ động lực duy nhất giúp đội ngũ kỹ thuật bám chân lại nơi đây chính là tinh thần ham học hỏi của bà con, tất cả nhìn được mong muốn thoát nghèo từng giờ, từng phút trong những ánh mắt khắc khổ ấy.
Trong mọi hoạt động ngay từ đầu tính tuần thủ của bà con rất tốt, vì bất đồng ngôn ngữ nên bà con chỉ có thể chăm chú dõi theo từng chi tiết nhỏ khi các anh kỹ thuật hướng dẫn. Để phù hợp với tính hình thực tế của bà con, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật của Công ty đã bám ruộng, tỉ mỉ hướng dẫn từng khâu kỹ thuật từ đào hố đặt bầu, làm giàn, cắt lá tỉa cành đến chăm bón đảm bảo cho năng suất cao nhất. Những bỡ ngỡ,“lệch nhịp”ban đầu đã được tháo gỡ, bà con đã nhanh chóng bắt nhịp và làm theo tương đối tốt. Cán bộ kỹ thuật thực hiện mọi công việc trên tinh thần hỗ trợ cao nhất, kiểm soát chặt chẽ quy trình kỹ thuật nhưng vẫn căn cứ tình hình thực tế để giúp bà con tiết kiệm chi phí, tiết kiệm sức người và tiền của; tận dụng tre, nứa … sẵn có để giúp bà con làm cọc, buộc giàn…
Cũng giống như những dự án khác, khi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo ổn định, người dân chủ động được các bước trong quy trình kỹ thuật và chanh leo đã cho thu hoạch cũng là lúc đoàn chuyên gia, cán bộ kỹ thuật Nafoods kết thúc hành trình và rời bà con bản địa để bắt đầu những nhiệm vụ mới. Những quả chanh leo chín mọng, thắm đỏ như tô điểm thêm tình cảm, sự gắn kết của người dân Dak Tleub và đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật bám dự án.

Đây chưa phải là kết quả tốt nhất nhưng là thành quả xứng đáng cho những cố gắng của các thành viên tham gia vào dự án lần này và bà con nơi đây. Kết quả là chứng minh cho niềm tin: Sự kiên trì và đồng lòng sẽ xóa tan mọi rào cản ranh giới về trình độ, về bất đồng ngôn ngữ, về phong tục tập quán về lối sinh hoạt.
Trương Thị Hồng Nhung ‒ Cô nhân viên điều phối dự án đã mỉm cười mãn nguyện về sự thành công dự án đạt được. Nhung chia sẻ:“Thật tiếc vì tình hình dịch Covid -19 diễn ra phức tạp nên không thể di chuyển và cùng bà con Dak Tleub thu hoạch chanh leo trong vụ mùa đầu tiên. Với vai trò điều phối dự án, là người kết nối thông tin từ hiện trường đến phía đối tác đã có lúc tâm trạng tôi chùng xuống khi nghe câu chuyện của“các anh kỹ thuật”trong những ngày đầu: Nó thật sự khó khăn gần như không thể tháo gỡ. Ấy vậy mà giờ đây về Dak Tleub, vườn chanh leo quy củ, xanh mướt đã đem lại giá trị kinh tế thực sự cho bà con, giúp 30 nông hộ ở đây tìm được hướng đi vượt nghèo, thoát đói và chắc chắn những đứa trẻ nơi đây sẽ được đi học, không còn “đầu trần, chân đất”theo cha mẹ lên rẫy lên nương. Tôi tin rằng 5 -10 năm nữa thôi về Dak Tleub sẽ có những“ Phiên dịch bản địa”thông thạo tiếng Anh chính là những đứa trẻ được đi học nhờ cây chanh leo của dự án hôm nay.”