


“Lúc xác định đến với nhau, anh Thành đưa em lên Tri Lễ, để sau này hai vợ chồng cùng làm ở Nafoods. Nói thực lòng lúc đi qua dốc Chuối (đoạn từ thị trấn Kim Sơn, Quế Phong lên Tri Lễ), em muốn về. Ở nơi cái chỗ gì đâu mà xa mãi xa mãi không đến. Dốc chi nhiều rứa, hệt như bay lên mây, tai ù đặc đi”, Hồng kể.
Tri Lễ những năm 2014 còn nghèo, đường sá vẫn gập ghềnh, điện lưới chưa trải khắp, tiết trời mưa phùn gió lạnh những ngày tháng 4 đủ khiến bất cứ ai vốn quen cuộc sống nhộn nhịp dưới xuôi chỉ muốn bỏ về.
Hồng nói việc bén duyên với Tri Lễ, với vị trí nhân viên kỹ thuật sản xuất giống chanh leo của Nafoods, xuất phát từ việc muốn được làm đúng nghề trồng trọt học tại Đại học Nông nghiệp I.
“Lúc ấy em vừa ra trường, chỉ có tấm bằng kỹ sư. Một chút máu liều của tuổi trẻ là lên đường. Giờ nghĩ lại thấy vất vả, chứ ngày đó mọi người ở đây ai cũng vậy”, Hồng nói.
Kỹ sư nông nghiệp mới ra trường, chưa kinh nghiệm, hầu như không có cửa xin việc ở thành phố. Về quê làm ruộng kiểu truyền thống cũng khó, xin việc lại chẳng dễ dàng. Nhà chồng ở Nghĩa Đàn có mấy quả đồi trồng mía. Song như lời Hồng, “sức mô mà làm” với một cô kỹ sư nông nghiệp.
“Nói kiểu sách vở thì áp dụng cái được học vào thực tế. Nhưng thay đổi hệ thống đâu phải điều đơn giản. Canh tác kiểu cũ, cực quá, sức em chịu không thấu. Làm giống chanh leo phù hợp với em, nên ngày đó dù biết lên miền núi vẫn liều mình đi”.
Bây giờ, cặp Thành – Hồng đã có nhà riêng, mở thêm cả quán bán đồ nhậu, cuộc sống khá hơn. 6 năm trước, cuộc sống chật vật hơn nhiều. Lương của Hồng khi ấy khoảng 4,5 triệu, lương của Thành khá hơn, nhưng vẫn phải “húp cháo vòng quanh” mới đủ xoay xở cuộc sống.
Nhà nội, nhà ngoại ở quê đều khó. Xe khách mỗi tuần 2 chuyến lên Tri Lễ. Đó là những chuyến xe tiếp tế thịt lợn, thịt gà cho hai vợ chồng. Bởi thịt lợn dưới xuôi lên tới vùng núi, thung lũng dọc dãy Trường Sơn này, giá thường cao ít nhất 1,5 lần. Năm 2014, thịt lợn ở dưới xuôi là 90.000đ/kg, lên đến Tri Lễ là 140.000đ/kg.
Hai đứa con của Hồng vì thế cũng sớm trưởng thành hơn trẻ dưới xuôi. “Bốn tháng là cho ăn gặm gặm dần rồi. 6 tháng ăn sữa bột. Một tuổi là tự hắn biết chọc sữa hộp uống rồi”, Hồng kể.

Anh Thành đi biệt phái ở Tây Nguyên, nơi Nafoods đang đầu tư cho Viện giống mới. Hồng phải thuê người trông trẻ, là người nhà của một công nhân đang làm ở Nafoods. Cuộc sống của cán bộ, công nhân Nafoods nơi này là thế, người nọ giúp người kia. “Vòng vòng cũng đủ sống”, như cách họ vẫn nói. Tiền công cho người giúp trông trẻ là 2,5 triệu đồng/tháng, rẻ hơn so với mặt bằng ở Vinh là 4 triệu/tháng.
Ngoài niềm tin, sự máu mê của tuổi trẻ, ước mơ được làm đúng nghề, thì việc ổn định cuộc sống ở Tri Lễ đòi hỏi Hồng và nhiều kỹ sư nông nghiệp khác phải biết chi tiêu. Từ tăng gia trồng rau, nuôi gà, đến cả “đi phường” (phương ngữ Nghệ An nói về việc đóng họ).
“Mỗi tháng góp 2 triệu, phường có 25 người. Hai năm sau đến lượt nhà em rút, có rồi mình lại đi tiếp. Ông bà hỗ trợ cho chút xíu, phải như thế mới mua được đất, xây nhà”.
Tri Lễ giờ có cả nhà trẻ, trường tiểu học, trường trung học cơ sở. Trường trung học phổ thông dưới thị trấn Kim Sơn, cách 30km. Đa phần học sinh ở Tri Lễ học rất giỏi, được vào nội trú cấp trung học phổ thông, miễn phí tiền học, tiền ăn. Nhiều em cuối năm còn mang được học bổng về phụ giúp bố mẹ.


Nói về nông dân các đồng bào dân tộc ít người, thường họ vẫn được cho là “thật thà, chất phác”. Tuy nhiên, ở đâu cũng có người này, người khác. Tại Tri Lễ, nhiều khi các nhân viên thu mua của Nafoods dở khóc dở mếu với những “chiêu” của một số nông dân địa phương.
“Được mùa thì làm lễ cảm tạ trời đất. Mất mùa là tại giống của công ty”, nhiều nhân viên thu mua đã tổng kết thế.
Chanh leo không phải loại cây dễ tính. Giống chanh leo thương phẩm là chanh leo tím đòi hỏi nhiều kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc.
Quy trình trồng, chăm bón, thu hoạch được Nafoods phổ biến kỹ lưỡng, thậm chí có cả khu trồng mẫu cho nông dân xem, rồi hỗ trợ cả tiền mua giống. Tuy nhiên, khi cây về đến bản, không ít nông dân vẫn theo phương thức gieo trồng từ lâu năm, nên chưa thực sự tuân theo các kỹ thuật và đã được hướng dẫn, bỏ qua nhiều công đoạn.
Biết ở Tri Lễ trồng chanh leo, nên khi thu hoạch, thương lái đổ xô đến, có cả thương lái Trung Quốc. Họ thường trả giá cao hơn, vì sự an tâm về xuất xứ mầm giống và khả năng truy xuất nguồn gốc vườn trồng; đặc biệt chất lượng sản phẩm đầu ra đồng đều, năng suất cao, tỷ lệ thu hồi và giá trị dinh dưỡng từ quả luôn đáp ứng được vị giác người tiêu dùng. Nông dân thường bán quả đẹp cho thương lái, số còn lại sẽ dồn về Nafoods, dù trước đó đã cam kết nhận hỗ trợ cây giống, kỹ thuật để bán 100% sản phẩm cho Nafoods.

Khí hậu, thổ nhưỡng ở Tri Lễ hợp với tính ưa lạnh của chanh leo. Vài năm đầu, nhiều hộ nông dân cứ bỏ mặc đó, cây vẫn sống, vẫn ra quả. Nhưng vài năm sau, đất cằn đi, nấm bệnh phát triển, cây yếu, quả ít. Khi ấy, lý do “cây giống kém chất lượng” lại xuất hiện đâu đó trong các câu chuyện của những người nông dân chia sẻ với nhau hoặc tâm sự với đại diện của công ty. Tâm lý xót của nên cho dù nhân viên kỹ thuật tiếp cận giải thích nhưng cũng không thể thuyết phục được bà con. Những câu “Năm ngoái trời thương nên cây tốt. Năm nay giống xấu quá, trời mà cũng không chịu” nói ra như một phương thức tự trấn an bản thân trước vụ mùa bị thất thu.
Hiện tại trên thị trường xuất hiện nhiều loại giống chanh leo giá thấp, không rõ nguồn gốc xuất xứ,nhiều hộ gia đình nông dân để giảm thiểu chi phí chọn cách mua thêm loại cây giống này. Sau khi gieo trồng phát hiện chất lượng không đảm bảo, sâu bệnh, nấm bệnh lan từ cây này sang cây kia, lắm khi cả vườn chanh leo dính bệnh. Lúc ấy, các câu chuyện bắt đầu dậy lên và cũng đưa nhãn hiệu Nafoods như một nguồn cơn bởi với tư duy “Cây giống là liên quan đến cây giống Nafoods, trước giờ chỉ biết đến nhãn hiệu cây giống Nafoods”.

“Cây chanh leo trồng vài ba năm phải cho đất nghỉ, chăm bón hoặc trồng cây xen canh. Nhân viên kỹ thuật hướng dẫn, năn nỉ hết mức rồi mà họ vẫn không chịu. Khổ lắm mà không biết cách nào”, anh Đại nói.
Đỉnh điểm là vào những năm 2016, khi cơn sốt chanh leo diễn ra với nhiều doanh nghiệp vào cuộc. Từ 50 hộ ban đầu trồng chanh leo ở Tri Lễ, con số tăng dần lên từng vụ. Do hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, Nafoods thu mua với giá 10.000đ/kg, nhưng các thương lái sẵn sàng ra giá 12 thậm chí 13.000đ/kg, để tranh thủ “cướp” hàng là những quả đẹp, đều chằn chặn.

Nhiều hộ nông dân âm thầm thu hoạch, chọn quả đẹp, đóng gói gửi xe về thị trấn Kim Sơn khiến doanh nghiệp đứng ra bao bọc họ bó tay, chịu cảnh “đòn hiểm dưới thắt lưng” mà không sao cản nổi.
Đây đó, người ta hay nói về cái tình. “Nghèo thì phải tìm cách xoay xở chứ. Nghèo nhưng sống có cái tình, giúp nhau lúc khó khăn”. Một vài người khi trả lời phỏng vấn về việc “bán chui” chanh leo bảo thế, nhưng tuyệt nhiên lờ tịt đi những người đã trao cho họ cây giống, phân bón, chỉ dẫn tận tay, bao tiêu sản phẩm cho họ.
Lúc bình thường, có khoảng 100 công nhân làm việc tại Viện giống chanh leo của Nafoods tại Tri Lễ, thu nhập bình quân 4-7 triệu đồng/tháng. Cao điểm mùa vụ, có tới 300 người làm. Nhiều hộ gia đình dân tộc Thái, Khơ Mú tại đây đã mua được xe máy, sửa nhà, thậm chí mua nhà mới nhờ cây chanh leo.

